Ads (728x90)

Template Information

Entertainment

Sample Footer

Facebook

About US

Advertisements

Random Posts

Business

Popular Posts

Lifestyle

Sports

Gallery

Dân trí Năm 2014 là một năm đầy thách thức với châu Á, khi hàng loạt tai nạn hàng không và đường thủy gây chấn động, cùng sự bùng lên và phát triển chóng mặt của nhóm Hồi giáo cực đoan IS. Hãy cùng nhìn lại những sự kiện nổi bật của châu lục trong 12 tháng qua.

Chuyến bay MH370 mất tích bí ẩn
Chính quyền Malaysia khẳng định MH370 đã lao xuống biển
Ngày 8/3/2014, chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia đã đột ngột mất tích khi đang trên hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, mang theo 239 người trên khoang. Vụ mất tích mở màn cho chiến dịch tìm kiếm lớn nhất và tốn kém nhất lịch sử ngành hàng không thế giới, cùng vô số giả thuyết được đưa ra.
Tính đến tháng 12, hơn 9000 km2 đáy biển Ấn Độ Dương, nơi máy bay được nghi ngờ rơi xuống, đã được rà soát nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào của MH370 được tìm thấy.
Chìm phà Sewol, hơn 300 người chết
Thảm họa chìm phà Sewol gây chấn động Hàn Quốc
Chiếc phà Sewol của Hàn Quốc bị chìm hồi tháng 4 đã khiến hơn 300 người thiệt mạng, chủ yếu là học sinh một trường trung học đang trên đường đi dã ngoại. Chiếc phà chở quá tải đã bị lật nghiêng khi thực hiện một cú rẽ trên hành trình tới đảo Jeju.
Thuyền trưởng Lee Joon-sook của phà tháng trước đã bị kết án 36 năm tù vì lơ là trách nhiệm, dù trước đó cơ quan công tố đề nghị tòa kết án tử hình với ông vì đã bỏ mặc hành khách mắc kẹt trên phà để di tản.
Thủ tướng Modi thắng áp đảo nhất lịch sử bầu cử Ấn Độ
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Ông Narendra Modi, một nhà lãnh đạo theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, đã trở thành vị thủ tướng đắc cử với chiến thắng áp đảo nhất trong lịch sử Ấn Độ, nhờ cam kết về hiện đại hóa đất nước. Trước đó, trong nhiều năm, ông đã bị nói xấu trên chính trường và bị phương Tây "quay lưng". Nhưng giờ ông đã là lãnh đạo nền dân chủ lớn nhất thế giới, và bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên bằng mệnh lệnh trấn áp nạn tham nhũng tràn lan.
Nhà nước Hồi giáo IS khuynh đảo thế giới
Nhóm cực đoan nhà nước Hồi giáo lớn mạnh không ngừng tại Trung Đông
Nhóm cực đoan nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Cận đông, một tổ chức Hồi giáo theo đường lối cứng rắn tách ra khỏi Al-Qaeda tháng 4/2013, nhưng chỉ trở thành tâm điểm chú ý của thế giới từ tháng 6/2014, khi chiếm đóng thành phố lớn thứ hai của Iraq là Mosul.
Nhóm này đã tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo tại một phần lãnh thổ rộng lớn tại Iraq và Syria, với nhiều vụ giết người, hãm hiếp, bắt cóc con tin và hành quyết tàn bạo. Đáng chú ý là có tới hàng nghìn người nước ngoài đã tham gia đầu quân cho nhóm này.
Các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu nhắm vào các cơ sở của IS được tiến hành từ tháng 8, nhưng đến nay, phương Tây vẫn từ chối triển khai quân tới thực địa, ngoại trừ việc huấn luyện và vũ trang cho binh sỹ Iraq và người Kurd.
Chuyến bay MH17 của Malaysia rơi tại Ukraine
Hiện trường vụ MH17 bị rơi tại Đông Ukraine
Toàn bộ 298 hành khách trên chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines, trên hành trình từ Amsterdam, Hà Lan tới Kuala Lumpur đã thiệt mạng khi máy bay bị rơi trên lãnh thổ miền Đông Ukraine hôm 17/7.
Cho đến nay, phương Tây vẫn cáo buộc tên lửa đất đối không do Nga cung cấp cho phe ly khai tại Ukraine đã bắn rơi máy bay. Trong khi đó Nga phủ nhận và cho rằng chính Ukraine mới là những người phải chịu trách nhiệm. Cuộc điều tra về nguyên nhân vụ tai nạn vẫn đang tiếp tục.
Biểu tình đòi bầu cử tự do bùng phát tại Hồng Kông
Cảnh sát Hồng Kông dùng vũ lực giải tán biểu tình
Đặc khu hành chính Hồng Kông năm qua đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình, trong đó gây ảnh hưởng lớn nhất là phong trào biểu tình đòi bầu cử tự do được sinh viên phát động hồi tháng 8. Ngày 28/9, việc cảnh sát địa phương dùng hơi cay và vũ lực giải tán đám đông đã khiến biểu tình càng bùng phát mạnh mẽ.
Dù đã lớn mạnh trở thành cuộc biểu tình đông đảo nhất, kéo dài nhất trên lãnh thổ Trung Quốc trong nhiều thập niên, phong trào này đã đột ngột chấm dứt hôm 11/12, khi hàng trăm cảnh sát chống bạo động ập vào giải tán khu trại biểu tình tại quận Admiralty.
Đảo chính quân sự tại Thái Lan
Binh sỹ Thái Lan trên đường phố sau đảo chính
Tư lệnh quân đội Thái Lan Prayut Chan-O-Cha ngày 22/5 đã chính thức tuyên bố đảo chính, đình chỉ hiến pháp, sau nhiều tháng chính trường Thái Lan bế tắc trong những cuộc chiến pháp lý hậu bầu cử.
Đến nay, chính phủ do quân đội lập ra đang điều hành Thái Lan, sau khi ông Prayuth nhậm chức thủ tướng hồi tháng 9. Theo kế hoạch, chính quyền chuyển tiếp sẽ ổn định tình hình đất nước trong vòng 15 tháng trước khi tiến hành tổng tuyển cử, trao quyền lại cho chính quyền dân sự.
Điểm nóng Đông Á vẫn "hừng hực" vì Triều Tiên
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tái xuất với cây gậy sau 40 ngày vắng bóng
Trong năm qua, dù không tiến hành vụ thử hạt nhân hay "phóng vệ tinh" nào, Triều Tiên vẫn tiếp tục là điểm nóng tại Đông Á, với một loạt vụ thử tên lửa tầm ngắn và các rocket phóng về phía biển Hoàng Hải. Đồng thời, các báo cáo của cả các cơ quan nghiên cứu độc lập cũng như của Mỹ và Hàn Quốc đều nhận định năng lực hạt nhân của Triều Tiên đang được củng cố. Gần đây nhất, một giáo sư đại học Stanford, Mỹ nhận định trước năm 2016, Triều Tiên có thể sở hữu 20 đầu đạn hạt nhân.
Về đối ngoại, điểm đáng chú ý và rõ ràng nhất trong năm qua đó là Bình Nhưỡng đã có động thái ngả theo Nga sau khi Bắc Kinh tiếp tục lạnh nhạt và thậm chí còn cùng Hàn Quốc bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về năng lực hạt nhân của Triều Tiên. Mới đây đặc phái viên của ông Kim Jong-un đã tới tiếp kiến Tổng thống Nga Putin, và Mátxcơva xác nhận mời nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm Nga.
Về đối nội, thông tin về những cuộc xử tử quan chức tiếp tục thu hút sự chú ý, dù khó kiểm chứng. Hồi cuối tháng 10, tình báo Hàn Quốc khẳng định 50 quan chức có thể đã bị chính quyền Bình Nhưỡng xử tử từ đầu năm theo lệnh của ông Kim. Dù vậy, thông tin gây "sóng" nhiều nhất có lẽ là chuỗi 40 ngày vắng bóng của ông Kim, làm dấy lên tin đồn đã đảo chính. Nhưng sự thật, nhà lãnh đạo này chỉ gặp vấn đề về sức khỏe và đang tiếp tục tăng cường củng cố quyền lực với việc đưa em gái tham gia hàng ngũ lãnh đạo trong đảng Lao động Triều Tiên.
Lãnh đạo Trung - Nhật gặp thượng đỉnh
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Sau 2 năm “không nhìn mặt nhau”, ngày 10/11/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có cuộc tiếp xúc thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi hai người nhậm chức, trong bối cảnh quan hệ Trung-Nhật hầu như đóng băng do những bất đồng về chủ quyền biển đảo cũng như các vấn đề lịch sử.
Trong cuộc gặp trực diện đầu tiên, cả hai nhà lãnh đạo đều thể hiện ngôn ngữ cơ thể tỏ rõ sự không mặn mà, thậm chí có phần miễn cưỡng phải bắt tay nhau trước ống kính. Ông Tập không hề cười và cũng không đáp lại nỗ lực thăm hỏi xã giao của ông Abe.
Malala Yousafzai giành giải Nobel hòa bình
Malala Yousafzai nhận giải Nobel hòa bình 2014
Thiếu nữ 17 tuổi người Pakistan Malala Yousafzai đã đi vào lịch sử giải Nobel hòa bình khi là người trẻ nhất được trao giải thưởng danh giá này. Cùng nhận giải này với Malala năm nay còn có nhà hoạt động vì quyền trẻ em người Ấn Độ Kailash Satyarthi.
Malala từng bị một tay súng Taliban bắn vào đầu tháng 10/2012 vì đã vận động để các trẻ em gái tại quốc gia Hồi giáo này được đến trường. Hiện Malala đang sống và học tập tại Anh.
 
Taliban thảm sát học sinh Pakistan
 
Một lớp học tại ngôi trường xảy ra thảm sát
Ngày 16/12, cả thế giới đã bàng hoàng khi chứng kiến vụ thảm sát kinh hoàng tại một ngôi trường ở thành phố Peshawar, Pakistan. Những kẻ đánh bom liều chết của Taliban đã ập vào ngôi trường trong buổi sáng sớm. Trong suốt 7 giờ, chúng đi từ lớp này sang lớp khác nã đạn không thương tiếc vào học sinh. Tổng cộng 141 người, hầu hết là trẻ em, đã bị sát hại.
Thanh Tùng

Đăng nhận xét